Các vấn đề khác Hoàng_thái_hậu

Biệt xưng

Cũng như Hoàng hậu, trong ngôn ngữ cổ Trung Quốc có rất nhiều cách gọi ám chỉ Thái hậu. Những từ tiêu biểu:

  • Từ cung (慈宮) hay Thánh từ (聖慈) hoặc Từ giá (慈駕): thường ám chỉ nơi ở và đức thánh sáng ngời, cụm "Thánh từ" có trong câu ["Thánh minh Từ tường"; 圣明慈祥][5][6]. Văn sách tôn hiệu thường sử dụng biệt xưng này nhất. Còn "Từ giá" ám chỉ đến đoàn Lỗ bộ - gồm kiệu, xe và cờ lọng, được dành riêng cho Thái hậu khi xuất hành.
  • Thánh mẫu (聖母): biệt xưng phổ biến trong văn thư dành cho sinh mẫu của Hoàng đế[7][8]. Không nhất thiết chỉ dùng cho Hoàng thái hậu, đôi khi chỉ là sinh mẫu đã mất hoặc những người chưa từng là Hoàng hậu. Đời nhà Thanh thời Đồng Trị Đế, triều đình tôn Quý phi Na Lạp thị làm [Thánh mẫu Hoàng thái hậu].
  • Mẫu hậu (母后): biệt xưng phổ biến trong văn thư dành cho Hoàng thái hậu. Chủ yếu dùng đến khi Hoàng thái hậu không phải sinh mẫu của Hoàng đế. Đời nhà Thanh thời Đồng Trị Đế, triều đình tôn Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị làm [Mẫu hậu Hoàng thái hậu].
  • Thánh nhân (聖人): cách gọi đời nhà Tống, chỉ chung Hoàng hậu lẫn Thái hậu[9][10].
  • Đông triều (東朝): xuất phát từ Sử ký Tư Mã Thiên, ám chỉ Trường Lạc cung vốn dành cho Thái hậu nhà Hán[11].
  • Quốc mẫu (國母): biệt xưng dành cho Hoàng hậu, Hoàng thái hậu. Ý là ["Toàn quốc chi mẫu"; 全國之母][12].
  • Từ Ninh (慈寧): biệt xưng Hoàng thái hậu triều Thanh, vì nói đến Từ Ninh cung.
  • Từ Hồ (慈壺) và Từ Vi (慈闈): biệt xưng văn thư cổ cho sinh mẫu của Hoàng đế. Không nhất thiết là Hoàng thái hậu.
  • Hoàng tỷ (皇妣): chỉ dùng trong tế văn của các Hoàng hậu và Hoàng thái hậu, thậm chí là Thái hoàng thái hậu. Chữ [妣] có nghĩa là "Người mẹ (hoặc bà) đã mất"[13], chỉ dùng cho Hoàng hậu hoặc Hoàng thái hậu là đích mẫu và sinh mẫu, và phải có quan hệ huyết thống chính pháp. Nếu là Hoàng đế nhập Tự (dòng thứ kế thừa và nhận Tiền nhiệm Hoàng đế làm cha), thì không thể dùng chữ này để gọi mẹ ruột. Tương tự cha ruột của họ cũng không thể dùng chữ [Khảo; 考].

Biến thể

Thời Tây Hán, các hoàng tử đều có đất phong và nhận tước Vương, thì mẹ của các hoàng tử đó được gọi là Vương quốc Thái hậu (王國太后). Sang thời Đông Hán, danh hiệu "Vương quốc Thái hậu" được thay thế bằng phong vị Vương quốc Thái phi (王國太妃), và từ đó danh hiệu "Thái hậu" chỉ dùng để gọi mẹ các Hoàng đế. Vào lúc Hán Huệ Đế băng, Hoàng thái hậu Lữ Trĩ lập Lưu Cung kế vị. Vào lúc đó, tuy Hiếu Huệ Trương hoàng hậu là Mẫu hậu của Tân Hoàng đế, Trương hậu vẫn giữ danh vị Hoàng hậu mà không phải Hoàng thái hậu. Từ đó cũng là trường hợp Đế mẫu hiếm hoi không được tấn tôn Hoàng thái hậu trong lịch sử.

Thời Hán Ai Đế Lưu Hân, do Ai Đế là nhận Hán Thành Đế làm hoàng phụ, trở thành Thái tử, nên khi lên ngôi ông nhận đích tổ mẫu là Vương Chính Quân làm Thái hoàng thái hậu và Hoàng hậu Triệu thị của Thành Đế làm Hoàng thái hậu. Nhưng ông vẫn tôn kính mẹ đẻ Đinh Cơ và bà nội là Phó Thái hậu, luôn tìm cách nâng địa vị của họ. Thời kì này vẫn chưa có hệ thống huy hiệu hoàn chỉnh, do vậy Hán Ai Đế đã liên tiếp nghĩ ra nhiều dị thể từ danh hiệu Hoàng hậu và Hoàng thái hậu vốn có, và cuối cùng tạo nên một thời kì mà trong cung có một lúc 4 vị Thái hậu với những danh hiệu chưa từng có:

  • Hoàng thái hậu Vương Chính Quân là 「Thái hoàng thái hậu; 太皇太后」;
  • Thành Đế hoàng hậu Triệu Phi Yến trở thành 「Hoàng thái hậu; 皇太后」;
  • Tổ mẫu Phó thị được tôn làm 「Cung Hoàng thái hậu; 恭皇太后」; sau là 「Đế thái thái hậu; 帝太太后」 rồi 「Hoàng thái thái hậu; 皇太太后」;
  • Sinh mẫu Đinh Cơ được tôn làm 「Cung Hoàng hậu; 恭皇后」, rồi là 「Đế thái hậu; 帝太后」;

Tại Hàn Quốc, nhà Cao Ly vẫn có ý ngang hàng với Trung Hoa khi ấy là nhà Tống, họ tôn các mẹ của Quân vương là Vương thái hậu như điển chế cổ. Sang đó nhà Triều Tiên xưng làm Quốc vương, và nhận làm chư hầu nhà Minh, nên mẹ của Quốc vương nhà Triều Tiên được gọi là Vương đại phi. Không giống như Trung Quốc, nhà Triều Tiên coi trọng đích-thứ, nếu Quốc vương kế vị là thứ xuất, thì mẹ ruột không thể tôn làm Vương đại phi, thậm chí cả truy phong cũng cấm, mà chỉ có thể duy trì phong hiệu cũ, hoặc gọi là 「Cung; 宮」. Khi Đế quốc Đại Hàn thành lập, lịch sử Hàn Quốc mới xuất hiện một vị Hoàng thái hậu đầu tiên và duy nhất, đó là Kế phi của Triều Tiên Hiến TôngHiếu Định Thành hoàng hậu Nam Dương Hồng thị, khi tấn tôn được gọi là 「Minh Hiến Thái hậu; 明憲太后; 명헌태후」

Trong khi đó, lịch sử Việt Nam thời Lê Trung hưng, các Chúa Trịnh chưởng quyền lấn át các Hoàng đế họ Lê, đã đặt ra danh vị để tỏ ra ngang hàng với Hoàng thất. Các Chúa Trịnh tôn mẹ mình là 「Vương thái phi; 王太妃」, bà của chúa là 「Thái tôn thái phi; 太尊太妃」. Một vài vị Vương thái phi có công dưỡng đối với Hoàng đế nhà Lê, hoặc vì cả nể chúa Trịnh, mà được tấn tôn với danh hiệu 「Quốc mẫu; 國母」 hay 「Quốc thái mẫu; 國太母」.

Trong lịch sử Nhật Bản, thời Thiên hoàng Go-Reizei, trong cung lập 1 lúc 3 vị chính phối, là Hoàng hậu Đằng Nguyên Hoan Tử (藤原歡子), Trung cung Đằng Nguyên Khoan Tử (藤原寬子) còn có Chương Tử Nội thân vương (章子內親王), được sắc phong danh hiệu Hoàng thái hậu. Đây trở thành trường hợp cực hiếm trong lịch sử khi danh vị Hoàng thái hậu lại phong cho một chính thất của Thiên Hoàng.

Cá biệt

Suốt thời Ngũ Hồ Thập lục quốc, nhiều quốc gia xưng Vương và họ tôn mẹ mình làm Vương thái hậu. Thời Bắc Ngụy, các vị Hoàng đế ngoài vị Hoàng thái hậu là mẹ đích (do quy định Tử quý mẫu tử nên mẹ ruột đều bị xử tử), thì người Nhũ mẫu chăm sóc các vị Hoàng đế từ bé cũng được hiển quý, gọi là 「Bảo Thái hậu; 保太后」.

Thời Hậu Đường, Hậu Đường Trang Tông có mẹ cả là Lưu thị, nhưng lại bất chấp lễ pháp, tấn tôn mẹ ruột Tào thị làm Hoàng thái hậu (sau là Trinh Giản hoàng hậu), còn Lưu thị chỉ là Hoàng thái phi. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử khi thứ bậc đích-thứ lẫn lộn đến cực điểm.

Thời nhà Liêu, Thừa Thiên Thái hậu vốn là em gái Liêu Nhân Tông. Khi Liêu Nhân Tông băng, con trai kế vị còn nhỏ, do đó trong di chiếu mệnh em gái Gia Luật thị có quyền nhiếp chính, xưng Thừa Thiên Thái hậu. Đó là vị Thái hậu duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không phải mẹ của Hoàng đế, mà là cô của Hoàng đế.

Chuyển nghĩa từ phương Tây

Trong văn hóa phương Tây, Hoàng thái hậu chỉ đơn giản là "Hoàng hậu của Hoàng đế tiền nhiệm", họ là một cựu Hoàng hậu hoặc là mẹ của Hoàng đế kế nhiệm, do vậy không có sự tấn tôn, mà chỉ có địa vị trong gia đình hoàng thất rất cao. Một điều rằng các [Empress Dowager] nhất định phải từng là Hoàng hậu (Empress consort), nếu chỉ là Đế mẫu (chưa từng làm Hoàng hậu) thì chỉ có tôn xưng kính nể, chứ không có danh hiệu, như mẹ của Hoàng đế Napoleon I của Đế quốc PhápLetizia Ramolino, đương thời bà chỉ được tôn xưng là 「Madame Mère de l'Empereur; Đức Hoàng mẫu bệ hạ」.

Thời Đế quốc Ottoman, mẹ của một Sultan được tôn là 「Valide Sultan; والده سلطان‎」, đây là một danh hiệu có nghĩa là "Mẹ của Sultan" và chỉ được dành cho người mẹ đang còn sống của vị Sultan trị vì. Địa vị của một Valide Sultan rất lớn không chỉ trong hậu cung của Sultan mà thậm chí là nền chính trị của toàn Đế quốc. Thời kỳ cuối cùng của Đế quốc Ottoman diễn ra dưới sự nhiếp chính của các Valide Sultan, khi các Sultan còn quá nhỏ, thì Valide Sultan đã dùng danh nghĩa nhiếp chính thao túng toàn diện nền chính trị.